Nói tới Hợp kim= Hợp+ Kim, chúng ta nghĩ ngay tới loại vật liệu trong thành phần của nó gồm hai hoặc nhiều nguyên tố (HỢP), và mang tính chất kim loại (KIM).
Hợp kim là vật liệu có mặt ở khắp mọi nơi, từ ứng dụng trong thực tế đời sống như Xoong nồi Inox, thép (hợp kim sắt – các bon) làm cổng cửa đến vật liệu cơ khí như Đồng thau (hợp kim đồng – kẽm), Đuy ra (hợp kim nhôm – đồng – magie)…
Bài viết sau đây, chuyên trang Kỹ thuật vật liệu cùng các bạn tìm hiểu thêm về hợp kim là gì và lý do vì sao chúng ta cần sử dụng nó?
Mục lục
- Định nghĩa
- Ưu việt của hợp kim
1.Định nghĩa
Hợp kim là vật thể của nhiều nguyên tố và mang tính kim loại (dẫn điện, dẫn nhiệt cao, dẻo, dễ biến dạng, có ánh kim).
Hợp kim được tạo thành trên cơ sở kim loại: giữa hai kim loại với nhau (như latông: Cu và Zn) mà cũng có thể là giữa một kim loại với một á kim (như thép, gang: Fe và C), song nguyên tố chính vẫn là kim loại, đó là hợp kim đơn giản hay giữa nguyên tố chính là kim loại với hai hay nhiều nguyên tố khác, đó là hợp kim phức tạp.
Nguyên tố kim loại chính, chứa nhiều nhất (> 50%) được gọi là nền hay nguyên tố chủ. Thành phần của các nguyên tố trong hợp kim (và trong ceramic) thường được biểu thị bằng phần trăm khối lượng (khi bằng phần trăm nguyên tử phải chỉ định rõ kèm theo), trong polyme được biểu thị bằng phần trăm thể tích.
2.Ưu việt của hợp kim
Các kim loại nguyên chất thể hiện rõ ưu việt trong dẫn nhiệt, dẫn điện vì chúng có các chỉ tiêu này cao nhất như các dây dẫn điện đều được làm bằng nhôm, đồng nguyên chất. Tuy nhiên trong chế tạo cơ khí, thiết bị, đồ dùng… các vật liệu đem dùng thường là hợp kim vì so với các kim loại nguyên chất nó có các đặc tính phù hợp hơn về sử dụng, gia công và kinh tế.
Độ bền
Trước hết các vật liệu cơ khí phải có độ bền cao để chịu được tải cao khi làm việc nhưng đồng thời cũng không được giòn để dẫn đến phá hủy. Các kim loại nguyên chất nói chung rất dẻo (rất dễ dát mỏng, kéo sợi ngay ở trạng thái nguội – nhiệt độ thường) nhưng có độ bền, độ cứng, tính chống mài mòn kém xa hợp kim (từ vài ba đến hàng chục lần). Nhờ vậy khi dùng hợp kim tuổi bền của máy, kết cấu tăng lên gấp bội.
Tuy nhiên độ bền, độ cứng tăng lên thường dẫn đến làm giảm độ dẻo, độ dai gây ra giòn song vẫn phải còn đủ, tốt khi sử dụng.
Quyết định chọn độ bền, độ cứng cao đến mức nào bị hạn chế bởi độ dẻo và độ dai cho phép cho mỗi trường hợp cụ thể để vừa có thể chịu tải tốt nhất vừa không bị phá hủy giòn. Nhờ vậy cho đến hiện nay hợp kim là loại vật liệu có sự kết hợp tốt nhất các đặc tính cơ học kể trên với tỷ lệ áp đảo trong máy móc và thiết bị.
Tính công nghệ
Tính công nghệ đa dạng và thích hợp. Để tạo thành bán thành phẩm và sản phẩm, vật liệu phải có khả năng chế biến thích hợp và được gọi là tính công nghệ.
Kim loại nguyên chất tuy dễ biến dạng dẻo nhưng khó cắt gọt, đúc và không hóa bền được bằng nhiệt luyện. Trái lại, hợp kim là vật liệu bao gồm nhiều chủng loại khác nhau, có thể có các tính công nghệ đa dạng phù hợp với điều kiện riêng khi gia công, chế tạo sản phẩm cụ thể.
– Hầu như mọi hợp kim đều có thể tạo hình được bằng một trong hai phương pháp: biến dạng dẻo: cán, kéo, ép chảy (chủ yếu cho các bán thành phẩm dài), rèn (tạo phôi cho cắt gọt), dập (thành sản phẩm) và đúc (chủ yếu cho các sản phẩm có hình dạng phức tạp).
– Nói chung hợp kim có tính gia công cắt nhất định để bảo đảm sản phẩm có kích thước, hình dạng chính xác, bề mặt nhẵn bóng, điều này đặc biệt quan trọng khi lắp ghép với nhau trong máy móc, thiết bị.
– Nhiều hợp kim, đặc biệt là thép (chiếm tới 90% tổng sản lượng vật liệu kim loại) rất nhạy cảm với nhiệt luyện để tạo ra cơ tính đa dạng phù hợp với điều kiện làm việc và gia công.
Chế tạo hợp kim
Trong nhiều trường hợp, luyện hợp kim đơn giản và rẻ hơn so với luyện kim loại nguyên chất, do không phải tốn chi phí để khử nhiều nguyên tố lẫn vào.
Có thể thấy điều đó qua hai trường hợp thường gặp sau.
– So với luyện sắt nguyên chất, luyện hợp kim Fe – C (thép vàgang) đơn giản hơn do nhiệt độ chảy thấp hơn và không phải hay ít phải khử bỏ cacbon trong sản phẩm của lò cao. Xét về mặt đòi hỏi độ bền cao, việc luyện sắt đòi hỏi khử bỏ cacbon và các tạp chất khác một cách triệt để không những không cần thiết mà còn có hại.
– Khi pha Zn vào kim loại chủ Cu ta được latông vừa bền lại vừa rẻ hơn (do kẽm rẻ hơn đồng khá nhiều).
Hợp kim là vật liệu không những dễ chế tạo mà còn sở hữu nhiều tính chất cơ, lý hóa và tính công nghệ ưu việt, do đó ngày càng được chú trọng và ứng dụng rộng rãi hơn trong mọi lĩnh vực kỹ thuật.
Trên đây là những kiến thức cơ bản về hợp kim, giải thích thắc mắc từ các bạn Hợp kim là gì? Và vì sao chúng ta cần sử dụng hợp kim.
Mọi vấn đề liên quan đến kỹ thuật vật liệu mời các bạn vui lòng bình luận bên dưới hoặc liên hệ chuyên trang kythuatvatlieu.com. Chúng tôi sẽ cùng đồng hành cùng các bạn!